Du lịch trải nghiệm
Hội An mùa nào đẹp?
Khí hậu Hội An đan xen khí hậu giữa miền Nam và miền Bắc, rõ rệt mùa mưa và mùa khô. Mỗi mùa phố cổ lại có những nét đẹp riêng.
Ba tháng đầu năm là thời gian lý tưởng nhất để rong chơi tại Hội An khi nắng không quá gắt, trời mát mẻ, thi thoảng có mưa nhỏ.
Từ tháng 4 đến tháng 6 là giai đoạn gay gắt của mùa khô, nhưng thời tiết Hội An khá dễ chịu, do nằm ở phía nam dãy Trường Sơn. Đây cũng là mùa cao điểm du lịch.
Mùa mưa, không ít khách du lịch vẫn tìm đến Hội An để có những trải nghiệm khác lạ. Ảnh: Đỗ Anh Vũ
Tháng 7 vẫn đang là mùa khô. Sang tháng 8 và 9 là thời điểm giao mùa. Trời vẫn nắng nhẹ, bắt đầu có mưa lác đác và se lạnh về đêm.
Ba tháng cuối năm là mùa mưa ở Hội An, trời ít khi nắng, mưa nặng hạt và đôi khi có lũ lụt. Những du khách từ miền Nam đến Hội An mùa lạnh nên chuẩn bị trang phục phù hợp, tránh để sức khỏe bị ảnh hưởng.
Di chuyển
Các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airlines... đều khai thác đường bay tới Đà Nẵng. Giá vé khứ hồi cho một người từ Hà Nội hoặc TP HCM đến Đà Nẵng trung bình khoảng 1,5 triệu đồng. Bạn nên mua vé sớm để có giá tốt và giờ khởi hành thuận tiện.
Đến sân bay Đà Nẵng, bạn có thể chọn đi xe khách trung chuyển từ sân bay, hoặc đi bus, taxi, ôtô riêng để tới trung tâm Hội An. Những người thích tự do đi lại có thể thuê xe máy từ TP Đà Nẵng để vui chơi ở Hội An, với giá khoảng 150.000 đồng một ngày.
Nếu đi xe bus bạn bắt tuyến số 01 Đà Nẵng - Hội An chạy từ 5h30 đến 17h50 hàng ngày với giá vé 20.000 đồng mỗi người. Nếu đi ba người trở lên và muốn di chuyển nhanh gọn từ sân bay thẳng tới Hội An, bạn nên gọi taxi, xe khách trung chuyển với giá từ 250.000 đồng một chuyến.
Để di chuyển ở Hội An bạn có thể sử dụng xe đạp, xe máy thuê từ chính các khách sạn, homestay mình ở. Xe đạp giá thuê khoảng 30.000 đồng một ngày, xe máy là 120.000 đồng.
90 giây đi khắp Hội An. Video: Phong Vinh
Khách sạn, homestay
Hội An mỗi mùa có một vẻ đẹp riêng, nhưng thu hút đông khách nhất vẫn là dịp hè. Do đó nếu đi mùa này bạn nên tìm hiểu nơi ở để đặt phòng càng sớm càng có giá tốt, đặc biệt là những ngày cuối tuần.
Giá khách sạn, resort 4 hoặc 5 sao ở đây vào khoảng 2.500.000 đồng trở lên cho một đêm phòng hai người. Hội An ngày càng có nhiều khu resort mới với vị trí đẹp như ở phường Cẩm Châu, ven biển An Bàng, Cửa Đại...
Homestay ở Hội An cũng mọc lên nhanh chóng những năm gần đây, có thể phục vụ mọi đối tượng từ khách đi một mình, theo nhóm hay gia đình. Không chỉ là một nơi sạch sẽ để ngủ, các homestay đều được chăm chút với kiến trúc, nội thất độc đáo, vườn cây xinh xắn, phòng rộng và thoáng. Giá các homestay Hội An rất rẻ, không dao động nhiều dù vào mùa cao điểm, từ 200.000 đồng một đêm cho một người.
Một số homestay đẹp được các bạn trẻ truyền tai nhau là Maison de Tau, Under The Coconut Tree, An Bàng Beach Hideaway, Heron House, Le Bleu...
Hoa sử quân tử màu đỏ hay hoa giấy màu hồng, cam, trắng nở khắp các ngõ phố ở Hội An vào hè. Ảnh: Hương Chi
Chơi đâu?
Quán cà phê
Đối với đồ uống ngoài món nước thảo mộc, trà và cà phê ở Hội An cũng ngon không kém. Hơn nữa mỗi quán trà, cà phê ở khu phố cổ lại mang một nét hấp dẫn riêng.
Nhiều quán nằm sâu trong những căn nhà có tuổi thọ hàng trăm năm, quán lại nằm trên tầng thượng nên khách có thể vừa ngắm phố vừa nhâm nhi đồ uống, hoặc quán có nhân viên phục vụ đều là người khiếm thính...
Người thích ngắm Hội An từ trên cao có thể tới Faifo Café nằm trên tầng 3 một ngôi nhà ở đường Trần Phú. Nếu muốn không gian tĩnh lặng có thể tới quán trà Reaching Out, hoặc thưởng thức kem với cà phê thơm ngon ở Hoi An Roastery...
Ngoài ra nếu chịu khó tìm kiếm trong các ngõ ngách phố cổ bạn còn phát hiện ra nhiều quán trà, cà phê vừa đậm chất phố Hội, vừa mang hơi thở hiện đại bởi thu hút không ít du khách nước ngoài.
Rời trung tâm phố Hội 4-7 km, du khách có thể khám phá các quán cà phê giữa đồng lúa như Roving Chillhouse, Cà phê Xóm Chiêu, Cà phê Lò Gạch Cũ... để tận hưởng không khí trong lành.
Cà phê Lò Gạch Cũ. Ảnh: Duy Hậu
Phố cổ
Chỉ riêng khu phố cổ Hội An cũng là một nơi đi mỏi chân cũng không hết điểm check-in cho các bạn trẻ. Mỗi con đường, góc phố cổ kính, dãy nhà quét ve vàng nghệ lại là một điểm dừng chân chụp ảnh thú vị, tìm hiểu văn hóa địa phương...
Với vé tham quan giá 80.000 đồng cho một người giá trị trong 24h bạn có cơ hội tham quan ba trong số những điểm di tích nổi bật nhất ở phố cổ. Đó là Chùa Cầu, các hội quán Phúc Kiến, Quảng Triệu, Hải Nam, Triều Châu, các nhà cổ Quân Thắng, Đức An, Phùng Hưng, Tấn Ký... Ngoài ra vé tham quan cũng bao gồm các hoạt động nghệ thuật đường phố, trò chơi dân gian, chợ đêm... diễn ra sau 7 giờ tối.
Ảnh: Nick M
Các hoạt động trên sông Hoài thường nhộn nhịp nhất từ 18h đến 22h. Để đi thuyền, bạn thuê 200.000 đồng một thuyền và mua hoa đăng thả với giá 10.000 đồng một chiếc.
Về đêm ở phố cổ, bạn có thể dạo các cây cầu ngắm phố lên đèn, nghe nhạc sống trong các quán bar, cà phê, xem các vở diễn nổi tiếng như Sương Sớm, À Ố Show, Teh Dar hay Ký ức Hội An.
Bãi biển
Bãi biển An Bàng thuộc phường Cẩm An, cách trung tâm thành phố Hội An 3 km. Biển trong xanh, sạch, không quá xô bồ, không gian vừa đủ để bạn cảm nhận sự thư thái. Năm 2011, bãi biển An Bàng được CNN bình chọn là một trong 50 bãi biển đẹp nhất thế giới.
Bãi biển Hà My năm 2017 được báo Anh Telegraph chọn là một trong 10 bãi biển đẹp nhất châu Á. Nằm cách An Bàng 3,5 km, cách danh thắng Ngũ Hành Sơn 6 km, và cách trung tâm Hội An gần 7 km, bãi biển Hà My không quá nổi bật nhưng vẫn mang vẻ thanh bình và nét cuốn hút riêng. Tuy cách khá xa trung tâm, Hà My không thiếu homestay hay khách sạn, resort cho du khách lựa chọn.
Bãi biển Cửa Đại là một điểm đến quen thuộc của Hội An, năm 2013 đã được Tripadvisor bình chọn vào top 25 bãi biển đẹp nhất châu Á. Cửa Đại nằm cách trung tâm Hội An 5 km, là bãi tắm rộng khoảng vài chục ha với bãi cát trắng mịn, nước trong xanh, sóng nhỏ. Du khách có thể nằm hàng giờ trên cát để tắm nắng, nghe sóng vỗ rì rào, hoặc đi câu cá gần bờ, thuê thuyền đi lênh đênh cùng dân chài, hay tham gia các môn thể thao dưới nước...
Gần Hội An nhất là biển Cửa Đại, bãi biển An Bàng nằm xa hơn nhưng có sức hút hơn bởi cát trắng mịn và yên tĩnh, tránh xa các dịch vụ du lịch ồ ạt. Ảnh: Driendl Group
Cù Lao Chàm
Nếu bạn xuất phát từ Hội An có 2 phương tiện để ra Cù Lao Chàm là cano và tàu gỗ. Cano thường xuất bến ở Cửa Đại và chỉ khoảng 20 phút sau là bạn có mặt tại Cù Lao Chàm, giá vé là 150.000 - 200.000 đồng mỗi người. Còn đi tàu gỗ xuất phát từ bến Bạch Đằng thì mất gần 2 tiếng nhưng giá rẻ hơn, khoảng 50.000 - 80.000 đồng mỗi người, nếu mang theo xe máy thì thêm 30.000 đồng mỗi chiếc.
Ở Cù Lao Chàm dịch vụ lưu trú chủ yếu là homestay, nhà nghỉ hoặc cho thuê lều trung bình 100.000 - 150.000 đồng mỗi phòng cho 1-2 người lưu trú. Giá thuê lều chừng 100.000 đồng một đêm.
Không chỉ cung cấp dịch vụ ăn, ngủ, nghỉ, những nhà nghỉ và homestay ở đây còn cung cấp các dịch vụ du lịch biển Cù Lao Chàm như: ăn uống, cho thuê xe, tàu thuyền tham quan đảo, lặn biển ngắm san hô, câu cá, đi bộ dưới đáy biển...
Những điểm tham quan là Nhà bảo tàng biển Cù Lao Chàm, Chùa Hải Tạng, Giếng cổ Chăm, Chợ Tân Hiệp, đảo Yến, miếu tổ nghề Yến, bãi Đá Chồng...
Từ bến cảng, bạn có thể đi vòng theo hướng qua bến tàu tránh bão để đến bãi đáp từng là nơi hạ cánh của trực thăng tại Cù Lao Chàm. Ảnh: Phong Vinh
Làng nghề
Làng rau Trà Quế nổi tiếng với các loại rau tươi ngon được trồng trên đất đai màu mỡ. Làng nằm ở xã Cẩm Hà, cách trung tâm Hội An 3 km. Tới đây du khách sẽ có dịp tìm hiểu hàng chục loại rau lá và rau gia vị đa dạng.
Du khách còn được trải nghiệm cuộc sống nông dân thực thụ khi tự tay xới đất, ươm trồng và thu hoạch các loại rau. Sau đó là thưởng thức đặc sản Hội An chế biến cùng các loại tươi ngon vừa thu hoạch như bánh vạc, hến trộn, tôm hữu, mì Quảng, cao lầu...
Những luống rau xanh mướt ở làng Trà Quế nhìn từ trên cao. Ảnh: Đỗ Anh Vũ
Làng gốm Thanh Hà có từ cuối thế kỷ 15, nằm cách phố cổ Hội An khoảng 3 km về phía tây, ngay cạnh sông Thu Bồn. Các sản phẩm của làng không chỉ có nồi niêu, gạch ngói, chén đĩa, mà còn có nhiều đồ lưu niệm độc đáo. Khách tới làng vừa được tìm hiểu về nghề vừa tự tay nhào nặn làm sản phẩm gốm riêng cho mình.
Làng mộc Kim Bồng là ngôi làng có tuổi đời hơn 600 năm. Nơi đây nổi tiếng tạo ra các tác phẩm mộc tinh xảo, độc đáo, từ nhà cửa tới thuyền và ngày nay là những sản phẩm mĩ nghệ, trang trí, lưu niệm.
Làng đúc đồng Phước Kiều có tuổi đời lên tới 400 năm. Đến Phước Kiều, du khách sẽ thấy rất nhiều sản phẩm bằng đồng phục vụ trong các dịp tế lễ, hội hè cũng như đồ dùng sinh hoạt hàng ngày. Ngoài chiêm ngưỡng các sản phẩm độc đáo, tinh xảo, du khách có thể xem người dân đúc đồng, mua đồ đồng làm quà lưu niệm.
Làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú ở xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn, nằm cách Hội An khoảng 15 km là vùng đất sở hữu nhiều giá trị văn hóa, nghề truyền thống độc đáo như điêu khắc gỗ, trồng hoa, ươm tơ dệt lụa, nuôi tằm... Du khách thăm làng sẽ được trải nghiệm khung cảnh đồng quê, tham quan các xưởng mộc, dệt, xem dân trình diễn bắt tôm cá trên sông Thu Bồn...
Trải nghiệm dệt ở làng nghề Cẩm Phú. Ảnh: Ngô Trần Hải An
Rừng dừa Bảy Mẫu
Từ trung tâm phố cổ Hội An, men theo dọc bờ sông Hoài hơn 3 km là khu rừng dừa nước Bảy Mẫu rộng hơn chục hecta, thuộc xã Cẩm Thanh. Dịch vụ chèo thuyền thúng chở khách tham quan rừng dừa xuất hiện ở Cẩm Thanh vài năm trở lại đây và dần trở thành "đặc sản" không thể thiếu của du lịch Hội An. Mỗi thuyền chỉ được phép chở tối đa hai người. Để tham quan rừng dừa, mỗi khách trả 200.000 đồng là được ngồi thuyền thúng, len lỏi khắp những lạch nước, hai bên là rừng dừa xanh ngắt trong khoảng một tiếng.
Ngoài đi thuyền thúng, du khách còn được xem biểu diễn múa thuyền, hướng dẫn làm những đồ chơi nhỏ xinh bằng lá dừa nước như bông hoa, con cào cào, vòng tay, mắt kính, nhẫn, hay mũ... làm quà lưu niệm. Nếu đến Bảy Mẫu vào tháng 8 âm lịch, du khách sẽ được thưởng thức quả dừa nước chín với lớp cùi giòn và ngọt.
Ảnh: Ngô Trần Hải An
Ảnh: Quỳnh Trần
Lịch trình tham khảo
- Ngày 1: Di chuyển đến Hội An, khám phá ẩm thực, hội quán, nhà cổ...
- Ngày 2: Thăm làng nghề, ngắm hoàng hôn, ăn hải sản ở biển An Bàng
- Ngày 3: Khám phá đời sống trên Cù lao Chàm
- Ngày 4: Thăm rừng dừa Bảy Mẫu, di chuyển về Hà Nội hoặc TP HCM
Đặc sản
Tới Hội An du khách không bao giờ sợ đói và thiếu lựa chọn đồ ăn. Từ sáng sớm tới tối khuya phố Hội luôn đầy ắp hàng quán mở đón khách ăn uống tấp nập. Giá cả còn rất "dễ chịu" với các món chè bán vỉa hè chỉ 5.000 - 10.000 đồng một cốc, bánh mì giá 15.000 - 25.000 đồng một ổ hay tô cao lầu, mì Quảng chỉ 25.000 đồng.
Những địa chỉ ăn uống nổi tiếng mà du khách Việt hay nước ngoài không thể bỏ qua là: cơm gà Bà Buội, bánh mì Phượng, bánh mì Madam Khánh, bánh xèo Giếng Bá Lễ, cơm chay chợ Hội An, nước thảo mộc Mót Hội An, cao lầu Thanh...
Đồ ăn vặt bán vỉa hè của Hội An, đặc biệt các món ngọt cũng không thể đếm xuể. Thực khách hảo ngọt nên thử qua kem ống, các loại chè xoa xoa, chè hạt sen, chè đậu ván, tào phớ, bánh xoài, bánh da heo...
Mua gì làm quà?
Đèn lồng là món quà gắn liền với Hội An. Bạn nên tìm mua ở vào những cửa tiệm lớn vừa làm vừa bán, để có lựa chọn đa dạng về kiểu dáng, kích cỡ và chất liệu.
Tượng đồng được bày bán khắp nơi trong phố cổ, giá từ 130.000 đến 350.000 đồng tùy kích cỡ. Đây đều là sản phẩm của làng đúc đồng Phước Kiều nức tiếng Hội An.
Hình ảnh đặc trưng của Hội An chính là những chiếc đèn lồng. Ảnh: Martin Bagg
Tò he đất là một sản phẩm từ làng gốm Thanh Hà, Hội An. Không có mẫu mã đa dạng nhưng đây vẫn là đồ lưu niệm được ưa chuộng vì giá rẻ, khoảng 5.000 đồng.
Làng nghề phố Hội còn nổi tiếng với đồ khắc gỗ. Nghệ nhân chế tác đều xuất thân từ làng mộc Kim Bồng, một số mở hẳn xưởng chế tác trực tiếp trong phố cổ. Giá một món đồ dao động từ 120.000 đến 300.000 đồng.
Lụa tơ tằm Hội An có đặc điểm thoáng mát, nhẹ và mềm mại. Ngoài quần áo, túi, khăn có sẵn, bạn có thể đặt tiệm may siêu tốc theo thiết kế riêng của mình và nhận lại chỉ sau một ngày. Giá một chiếc khăn lụa trung bình là 150.000 đồng.
Nếu muốn mua đồ ăn Hội An làm quà, gợi ý cho bạn là bánh đậu xanh, bánh thuẫn, bánh phu thê, tương ớt cũng là lựa chọn hay.